BỆNH THAN VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG BỆNH THAN TRÊN NGƯỜI
BỆNH THAN VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG BỆNH THAN TRÊN NGƯỜI
1. Đĩnh nghĩa
Bệnh Than (Bệnh Nhiệt thán) ở người là bệnh lây truyền từ động vật do trực khuẩn thanBacillus anthrasis (B.anthrasis) gây ra. Bệnh thường xuất hiện ở động vật ăn cỏ và lây truyền sang người có thể thành dịch với tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh biểu hiện gồm 3 thể chính tùy thuộc vào đường lây truyền: thể da là chủ yếu chiếm (95%), thể phổi và thể tiêu hóa (thể dạ dày - ruột và thể hầu họng), ngoài ra có thể màng não.
2. Nguồn bệnh
- Nguồn bệnh là động vật như: trâu, bò, ngựa, dê, lợn, chuột… bị bệnh.
- Ở môi trường bên ngoài, trực khuẩn Than tạo bào tử và bào tử B.anthracis rất bền vững với những điều kiện môi trường khắc nghiệt và sự khử khuẩn, vi khuẩn có thể sống sót trong đất nhiều năm sau khi động vật bị bệnh đã bị tiêu diệt. Da động vật bị nhiễm trực khuẩn mặc dù đã được chế biến có thể là nơi trú ngụ của bào tử trong nhiều năm và là vật truyền bệnh trên toàn thế giới.
3. Phương thức lây truyền bệnh Than
- Lây truyền qua da là do tiếp xúc với các mô của động vật (Trâu, bò, cừu, dê, ngựa, lợn và các súc vật khác) chết vì mắc bệnh Than.
- Lây truyền qua đất bị nhiễm khuẩn từ các động vật mắc bệnh Than hoặc do sử dụng phân bón bị nhiễm khuẩn dùng cho việc chăm bón vườn tược.
- Hít phải vi khuẩn Than, ăn phải thịt có mầm bệnh Than.
4. Biểu hiện của bệnh Than
- Thể da, nốt loét da, tiến triển qua các giai đoạn nốt dát, nốt sần, sau thành mụn phổng đỏ tím. Ngứa nhiều, bệnh nhân gãi, mụn vỡ ra, hoại tử lan rộng, sau 2-4 ngày tạo thành nốt loét lớn, trên bề mặt phủ một vảy cứng màu đen. Xung quanh vết loét có nhiều mụn phồng thứ phát nhỏ. Tại vết loét, bệnh nhân không đau. Sau 3-4 tuần, vết loét bong vảy, tạo thành sẹo trắng. Phù nề xung quanh vết loét rất mạnh và lan rộng. Hạch khu vực vết loét sưng, nhưng không đau.
- Thể hô hấp: Hội chứng nhiễm khuẩn - nhiễm độc nặng; đau ngực, khó thở, viêm phổi hoặc viêm phế quản, khạc ra đờm mầu gỉ sắt.
Những biểu hiện nặng hơn như suy thở, tím tái, sốc.
- Ở thể tiêu hoá: hội chứng nhiễm khuẩn-nhiễm độc nặng. Đau bụng, nôn, đi tiêu phân lẫn máu và nhầy.
5. Tình hình bệnh Than tại Lai Châu
- Qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trong những ngày đầu tháng 6 năm 2023 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 03 trường hợp mắc bệnh Than trên người, đây là những bệnh nhân đầu tiên của tỉnh trong năm 2023 sau 12 năm không ghi nhận ca bệnh trên địa bàn tỉnh, đồng thời phát hiện một số mẫu dương tính trên trâu và môi trường đất tại chuồng nuôi trâu.
- Tại huyện Tam Đường hiện tại chưa ghi nhận ca bệnh Than, tuy nhiên có đã có ổ dịch cũ bệnh Than tại bản Nà Đon – xã Bình Lư từ năm 2011.
* Cảnh báo: Nguy cơ dịch bệnh Than trên người gia tăng, bùng phát là rất cao.
6. Cách phòng bệnh Than trên người
Trước tình hình dịch bệnh Than đang có chiều hướng gia tăng trên động vật và đã có trường hợp lây sang người, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Than trên địa bàn huyện, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng người dân. Trung tâm Y tế huyện Tam Đường khuyến cáo người dân thực hiện một số nội dung sau:
+ Thực hiện ăn chín, uống chín.
+ Không tham gia giết mổ, chế biến thức ăn từ động vật ốm, chết (đặc biệt là trâu, bò, ngựa, dê ...chết).
+ Thực hiện an toàn trong giết mổ.
+ Khi có động vật ốm, chết nghi mắc bệnh Than phải báo cho cơ quan thú y để tổ chức vệ sinh, khử trùng, thu gom xử lý theo quy định.
+ Nếu nghĩ rằng mình đã tiếp xúc với bệnh Than, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám, kiểm tra và tư vấn phòng bệnh, điều trị bệnh Than kịp thời.