• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN TAM ĐƯỜNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TTYT) DỊCH BỆNH MÙA HÈ – NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

Dịch bệnh mùa hè luôn là vấn đề nan giải cho mọi người khi thời tiết nóng bức, khó chịu đang đến gần. Mùa hè là thời điểm thuận lợi nhất mà mà các virus và vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển gây nên những dịch bệnh khó kiểm soát ở cả người lớn và trẻ em.

1. Tại sao mùa hè lại xuất hiện nhiều dịch bệnh?

Vào mùa hè, nhiệt độ tăng cao, thời tiết nắng nóng, khí hậu nóng ẩm mưa nhiều ký sinh trùng, vi-rút và vi khuẩn gây bệnh có cơ hội phát triển mạnh mẽ làm cho mọi người rất dễ bị bệnh làm suy giảm sức đề kháng.

Trong mùa hè, sự bài tiết mồ hôi gia tăng, quá trình trao đổi chất của cơ thể cũng được đẩy mạnh. Cơ thể bị mất một lượng nước khá lớn sẽ khiến nồng độ máu giảm, độ kết dính trong máu tăng cao gây ra một số dịch bệnh mùa hè.

Điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường, nóng ẩm mưa nhiều… muỗi và véc tơ truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh.

Chất lượng vệ sinh môi trường khó đảm bảo khi mùa mưa đến.Giai đoạn chuyển mùa giữa mùa khô và mùa mưa, con người chưa kịp thích nghi khiến cơ thể dễ bị gây hại.

2. Một số dịch bệnh mùa hè

2.1. Bệnh dại

Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo).

Cho đến nay bệnh Dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh Dại gần như tử vong 100%. Bệnh Dại nguy hiểm nhưng đã có vắc xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh Dại.

Để chủ động phòng chống bệnh Dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. 

2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnhDại khi bị chó, mèo cắn; Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

5. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

6. Đến ngay Trung tâm Y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại.

7. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại. 

2.2. Bệnh tiêu chảy cấp

* Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy cấp, nhưng chủ yếu là những nguyên nhân sau: 

- Do Virut: Virut là nguyên nhân cơ bản gây bệnh tiêu chảy, trong đó rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp ở trẻ em. Vi rút coxaki EV71 cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy cấp trong bệnh Tay - chân - miệng gây thành dịch.

- Vi khuẩn: hay gặp như khuẩn tả, trực khuẩn lỵ, thương hàn, E.coli,…trong đó tả là nguyên nhân gây tiêu chảy cấp nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

- Ký sinh trùng: Những người có thói quen ăn uống không hợp vệ sinh, hay ăn rau sống, thủy hải sản chưa nấu chín kỹ cũng có nguy cơ mắc bệnh do kí sinh trùng như sán, lỵ a míp, ấu trùng giun tròn,…

* Triệu chứng:

- Đau bụng: Cơn đau nhói hay đau âm ỉ và đau tăng lên khi đi đại tiện.

- Nôn: Nôn ra thức ăn, nước và thậm chí là dịch mật.

- Đi ngoài phân lỏng trên 3 lần/ngày.

*  Phòng bệnh tiêu chảy cấp:

- Thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung: ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, không uống nước lã, không ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc, thức ăn để tủ lạnh quá 24 giờ,..

- Tăng cường vệ sinh thân thể, vệ sinh tay: Rửa tay sạch trước khi ăn, chế biến thực phẩm và sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với dụng cụ bẩn.

- Sàn nhà, vật dụng, đồ chơi cần được lau, rửa sạch bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

- Bên cạnh đó cần tránh tập trung ăn uống đông người trong các dịp ma chay, cưới hỏi,…

2.3. Bệnh cúm

* Nguyên nhân

Cảm cúm là một căn bệnh không nguy hiểm nhưng có thể gây biến chứng viêm đường hô hấp trên hoặc mắc các bệnh mãn tính ở trẻ nhỏ, người cao tuổi. Nếu bệnh trở nặng gây biến chứng vào phế quản, phổi gây viêm phế quản sẽ khiến cơ thể người bệnh mệt mỏi, khó thở, đặc biệt đối với trẻ em, khiến bé hay quấy khóc. Đối với những phụ nữ mang thai nếu nhiễm cúm trong 3 tháng đầu của thai kỳ dễ dẫn tới dị tật cho thai nhi, với những bệnh nhân hay tái đi tái lại có thể không phải là cảm cúm có thể nhầm với các bệnh như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang.

Virus cúm xâm nhập vào cơ thể thông qua miệng hoặc mũi.Các virus có thể lây lan trong không khí khi một ai đó bị bệnh ho, hắt hơi, nói hoặc tiếp xúc trực tiếp lây lan qua đồ vật, cầm nắm dụng cụ, khăn, đồ chơi hoặc điện thoại của người bị cúm.

* Triệu chứng: Những biểu hiện của dịch bệnh cảm cúm như: Hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi,... thường xuất hiện khoảng 1–3 ngày sau khi tiếp xúc với một virus cảm cúm.

* Phòng và tránh bệnh cúm

-  Hạn chế tiếp xúc người bị bệnh

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

- Tiêm văcxin cúm mùa phòng bệnh.

- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời.

2.4. Bệnh thủy đậu, Bệnh Quai bị: Là các bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch lớn và nguy hiểm.

Phòng bệnh:

- Chủ động tiêm văc-xin phòng bệnh cho trẻ em theo đúng lịch là cách phòng bệnh tốt nhất.

- Hạn chế tiếp xúc người bị bệnh

- Những trường hợp mắc bệnh cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày (cách ly, điều trị tại nhà hoặc tại cơ sở y tế) từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh.

- Rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.

- Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

2.5. Bệnh Tay – Chân - Miệng

* Nguyên nhân:

Hiện nay, dịch bệnh tay chân miệng không chỉ bùng phát ở trẻ nhỏ, mà đã xuất hiện ở người lớn, tác nhân gây bệnh vẫn là do virus Cosackievirus A (thường gặp A16), Coxsackievirus B; Echovirus; Enterovirus (thường gặp E70, E68 hoặc CV-B2 các virus này thuộc họ Picornaviridae.

Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh: tiết dịch mũi hoặc dịch họng, nước bọt, chất lỏng từ mụn nước, ho hoặc hắt hơi. Thời gian ủ bệnh là 3-6 ngày. Bệnh không có cách điều trị bệnh và vắc xin phòng ngừa.

* Các triệu chứng

Sốt, viêm họng, cảm thấy khó chịu, đau, đỏ giống như vảy trên lưỡi, nướu, bên trong má, chán ăn,...

Bệnh nhi còn phát ban đỏ, không ngứa nhưng đôi khi bị phồng rộp trên lòng bàn tay, bàn chân, trường hợp hiếm có thể xuất hiện trên mông.

* Biến chứng: Viêm màng não, viêm não, đe dọa đến tính mạng.

* Phòng bệnh:

- Rửa tay thật kỹ với xà phòng và nước sạch.

- Bố mẹ cũng cần vệ sinh tay chân sạch sẽ sau khi thay tã, vệ sinh cho bé.

- Không nên cho bé đi học trước khi khỏi hẳn bệnh.

- Dọn dẹp gọn gàng nơi ở của gia đình và phòng nghỉ của trẻ. Tẩy trùng nhà cửa, đồ chơi của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn.

- Hạn chế tối đa để trẻ mút tay, cho đồ chơi vào miệng.

- Theo dõi trẻ bị sốt đang sống trong vùng dịch. Không đưa trẻ đến trường trong thời gian nghi ngờ mắc bệnh lây truyền.


Tác giả: BS. Nguyễn Đức Hoàn khoa KSBT
Nguồn:Trung tâm y tế huyện Tam Đường Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 30
Tháng 07 : 1.926
Năm 2024 : 26.784
Last Year : 119.594
Tổng số : 212.752